1900 636 815

Sự tích lễ Vu Lan báo hiếu & những điều cần biết

Sự tích lễ Vu Lan báo hiếu & những điều cần biết

Đại lễ tháng 7 âm lịch, mùa vu lan báo hiếu lại về đã quá quen thuộc đối với người Việt chúng ta. Tuy nhiên ngày lễ Vu Lan có nguồn gốc từ đâu thì không phải ai trong chúng ta cũng đã biết.

>>> Đọc thêm: Trong ngày Lễ Vu Lan cách thể hiện Đạo hiếu của người Việt như thế nào?

Đại lễ Vu Lan báo hiếu

Sự tích lễ vu lan báo hiếu

“Vu Lan” là danh từ gọi tắt của “Vu Lan Bồn”, tiếng Phạn là Ullambana. “Ullam” dịch là “treo ngược” (đảo huyền), dụ cho cái khổ của người chết như bị treo ngược, cực kỳ thống khổ. Chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana”, dịch là “cứu giúp”. Như vậy “Vu Lan Bồn” là giải cứu tội bị treo ngược.

Theo Phật thoại: Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Ông Ma Ha Một Ðặc Già La, thường gọi là Ðại Mục Kiền Liên, gọi tắt là Mục Liên. Vốn là một tu sĩ khác đạo, về sau Mục Liên đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật.

Ông có quyền pháp vô biên, nhưng không vì thế mà ông quên đi nghĩa vụ của một người con đối với cha mẹ. Một lần, dùng tuệ nhãn quan sát khắp “bốn phương tám hướng” Tôn giả Mục Kiền Liên thấy mẹ mình (là bà Thanh Ðề) đang chịu cảnh tội đồ trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, xanh xao, chỉ còn da bọc xương, khổ đau khôn xiết. Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác, sự dối trá từ thuở sinh thời mẹ đã gây nên, nhưng ông vẫn không khỏi thương xót. Dùng pháp thuật của mình, Tôn giả Mục Kiền Liên mang cơm dâng lên mẹ. Nhưng, do nghiệp quá lớn nên bát cơm bà Thanh Ðề cầm trên tay bỗng hoá thành than đỏ. Chứng kiến cảnh tượng ấy, ông rất đau lòng, về bạch lại với Phật, mong Ðức Phật cứu vớt để linh hồn mẹ mình được siêu thoát.

su-tich-le-vu-lan-bao-hieu
Sự tích lễ Vu Lan báo hiếu

Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của Tôn giả Mục Kiền Liên, Ðức Phật đã chỉ cách để Ngài có thể cứu vớt được mẹ ra khỏi cảnh đoạ đầy. Ðức Phật nói: “Ông tuy quyền phép vô biên, lại hiếu thảo hơn người, tấm lòng của ông làm cảm động cả trời đất nhưng tội ác của mẹ ông quá nặng, một mình ông không thể cứu được mẹ. Ðến ngày rằm tháng bẩy, Chư Phật hoan hỉ, Chư Tăng tự tứ, hãy sửa soạn lễ vật cúng dường, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được”.

Tôn giả thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn, và chính ngay trong ngày đó mẹ Tôn giả thoát được cảnh khổ ngạ qủy mà được sanh lên cõi trời. Tôn giả vô cùng hoan hỷ và thỉnh cầu : “Sau này có chúng sanh nào muốn phát tâm hiếu để cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui, họ có được làm như con không?”.

Thế Tôn bảo rằng : “Có thể được làm như vậy trong ngày Tự tứ để cha mẹ đời này và nhiều đời được siêu độ giải thoát”.

Từ đó trong Phật giáo truyền lại một pháp thức cứu độ cho các bậc tiền nhân quá vãng siêu thoát về cảnh giới an lành, được thực hiện trong ngày Vu Lan – Tự Tứ. Vào những ngày này, dù bạn là ai, ở đâu cũng ước muốn được đến chùa để tham dự lễ Vu Lan – Báo Hiếu, thắp một nén hương lòng cầu nguyện cho cha mẹ hoặc đời này hay nhiều đời được siêu độ, còn người đang hiện hữu nhờ công đức này mà an lành hạnh phúc trong cuộc sống nhân sinh.

Kể từ khi Phật Giáo truyền vào Việt Nam, mùa Vu Lan trở thành truyền thống báo hiếu. Ngày nay, lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người” với bất cứ ai đang hiện hữu trên cõi đời này. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc.

0/5 (0 Reviews)

Check Also

Nguồn gốc giỗ tổ sân khấu xuất phát từ đâu?

Nguồn gốc giỗ tổ sân khấu xuất phát từ đâu? Giỗ tổ sân khấu vốn …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *