Khi tiến hành cúng bái trước bàn thờ gia tiên, bao giờ chúng ta cũng phải trình bày với tổ tiên lý do và nội dung cầu khấn. Đọc văn khấn không quá khó, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải biết những điều lưu ý sau đây.
>>> Bài đọc thêm: Tháng cô hồn có những điều cấm kỵ bạn cần phải nên biết
Cúng gia tiên thường do trưởng nam hoặc người được ủy quyền thay mặt cả nhà đọc văn khấn. Khi đọc văn khấn, phải có lời mời ông bà, ông vải về thụ hưởng. Một lời mời có thể mộc mạc, cũng có thể văn hoa bóng bẩy, nhưng phải thành tâm tự đáy lòng. Sau đó mới trình bầy tâm nguyện thỉnh cầu gia tiên những điều mình mong muốn.
Mỗi một lễ đều có một văn khấn riêng, nội dung phải phù hợp với lễ đó. Tuy vậy cấu trúc một bài văn khấn phải gồm ba phần sau:
+ Phần thứ nhất: Nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành lễ và tên người đứng đọc văn khấn. Sau phần quốc hiệu phải nói rõ vị trí người cúng: Tín chủ, Trưởng nam hoặc Thứ nam… (“Tín chủ” là xưng với các vị Gia thần, còn “Trưởng nam, hoặc Thứ nam hoặc Hậu thế…” là xưng với các vị Gia tiên).
+ Phần thứ hai: Đây là nội dung chính mời Gia tiên về “ăn tết” hay “ăn giỗ”. Mời người được cúng giỗ, và các bậc thế thứ trong gia tiên cùng về thụ hưởng. Đồng thời kể các thức đem cúng như: hương, hoa, vàng, trầu, rượu, hoa quả, xôi gà, cỗ mặn…(Đem cúng thức gì phải kể hết).
+ Phần thứ ba: Nghiêm cẩn bày tỏ lòng thành kính và thỉnh cầu các vị phù hộ độ trì cho toàn gia và những người đang sống được an lành, làm ăn phát tài, hanh thông mọi việc, vạn sự như ý…
Văn khấn cũng có thể được viết ra giấy nếu người đọc cảm thấy dài và khó nhớ. Trước khi làm lễ đọc văn khấn cúng, người chủ lễ lưu ý cần phải tắm gội sạch sẽ, áo quần tề chỉnh. Khi đọc văn khấn, không được đọc to, chỉ nên đọc lầm rầm nhỏ nhẹ vừa đủ người đó nghe, nhất khi là đọc tên húy người được cúng. Quan niệm đọc to là phạm húy, mặt khác những cô hồn lưu vong bên ngoài nghe được, sẽ vào ăn tranh cỗ mất. Chỉ đọc to những điều cần nhắc nhở con cháu của các tiền nhân để lại và những điều chủ lễ cần nhắc nhở con cháu thực hiện…
Khi hành lễ con cháu tập trung đứng sau chủ lễ, hai tay chắp lại trước ngực, tập trung nghe những điều di huấn của cha ông, những việc người chủ lễ thấy cần nhắc nhở. Hiện tại phần lớn khi làm giỗ (vào ngày mất của bố mẹ, ông bà…), các nhà chưa chú ý đến điều này, chỉ một mình con trưởng cúng. Con cháu tập trung đông đúc nhưng không vào cúng, chúng ta cần khắc phục việc này.
Thiết nghĩ, tục thờ cúng gia tiên là một tập quán cao đẹp đã có từ lâu đời của người Việt chúng ta. Việc chúng ta tìm hiểu và học hỏi được thêm nhiều kiến thức về thờ cúng thế nào cho đúng lễ nghĩa là một việc làm cần thiết. Mỗi người chúng ta đều phải có trách nhiệm bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp đó và thực hành đạo hiếu sao cho trọn vẹn.