Bàn thờ tổ tiên là bàn thờ chính trong mỗi gia đình Việt Nam, tuy nhiên trong thực tế người ta có sự phân biệt giữa bàn thờ trong nhà thờ Họ, nhà thờ Chi, bàn thờ vọng, bàn thờ trong từng gia đình, bàn thờ Bà Cô Ông Mãnh, bàn thờ cho Người mới mất…
1. Các loại bàn thờ Gia Tiên:
Tất cả con cháu cùng một dòng họ lập chung một bàn thờ vị Thủy tổ, gọi là Từ đường của dòng họ. Ngày xưa bài vị được ghi bằng chữ Hán. Nhiều dòng họ không có nhà thờ riêng thì xây một đài lộ thiên dựng bia đá, tên thụy, hiệu các tổ tiên. Mỗi khi có giỗ tổ, hoặc có tế tự của một chi họ, thì cả họ hoặc riêng chi họ đó ra đài lộ thiên cúng tế. Đài lộ thiên này là nơi để cúng tế, hoặc tổ chức các trò vui trong ngày giỗ tổ dòng họ hoặc một chi họ. Cúng tế xong sẽ về nhà tộc trưởng hoặc trưởng chi cùng ăn uống. Những dòng họ lớn, giàu có thường tổ chức trò vui vào đêm hôm Tiên thường. Có nhiều họ có nhà thờ riêng với bàn thờ Thủy tổ để cho chi trưởng nam đời đời giữ hương hỏa, và chỉ khi nào ngành trưởng không có con trai nối dõi thì việc cúng bái mới chuyển sang chi dưới. Có họ, ngoài bàn thờ Thủy tổ chung, con cháu luân phiên nhau thờ tổ ở nhà riêng của mình. Song chỉ là trường hợp của những người đi xa quê hương, không thuận tiện dự ngày giỗ tổ hàng năm và lễ tổ trong dịp tết được.
1.2 Bàn thờ chi
Nhiều họ lớn chia thành nhiều chi. Mỗi chi lại đông con cháu nên ngoài việc tham gia ngày giỗ tổ toàn họ còn có ngày giỗ tổ riêng của chi họ. Các chi đều có nhà thờ riêng, gọi là bản chi từ đường. Hiện nay, trên bàn thờ nhiều gia đình ở nông thôn vẫn còn đặt bức hoành phi mang dòng chữ nói rõ đó là từ đường của chi họ nào. Từ đường có nghĩa là nhà thờ. Trên bàn thờ này có bài vị của ông tổ, nên gọi là Thuần chủ bản chi. Thần chủ này cũng như Thàn chủ của Thủy tổ họ sẽ được thờ mãi mãi.Người trong chi họ có dành một số ruộng để lấy hoa lợi cúng giỗ, ruộng này gọi là Kỵ điền.
1.3 Bàn thờ gia đình (bàn thờ Gia Tiên)
Bàn thờ riêng của từng gia đình còn gọi là Gia từ, hay bàn thờ Gia tiên. Những gia đình giàu có mới xây nhà thờ riêng cho gia đình. Còn phần lớn, bàn thờ gia tiên được thiết lập ngay ở gian giữa nhà chính. Những người con thứ không cần phải có bàn thờ gia tiên vì không phải cúng giỗ, nhưng vì lòng thành kính với tổ tiên, họ vẫn lập bàn thờ để cúng vọng.
Bà cô ông mãnh là từ mà dân gian dùng cho những người chết trẻ, chưa lập gia đình. Người ta cho rằng vì chết trẻ nên bà cô ông mãnh rất linh thiêng. Nếu cảm thấy “hợp” người thân nào thì sẽ phù hộ độ trì rất nhiều. Nếu thờ cúng bà cô ông mãnh không đến nơi đến chốn sẽ bị quở phạt. Bà cô ông mãnh lẽ ra cũng nên thờ cúng với tổ tiên, nhưng dân gian quan niệm rằng bà cô ông mãnh tuổi thấp nên chưa thể hưởng hương hoa cùng các cụ đời trước được. Giống như trên cõi dương gian, trẻ con chỉ ngồi riêng một mâm khi ăn giỗ nên bà cô ông mãnh cũng được thờ riêng 1 bàn thờ. Bàn thờ bà cô ông mãnh được đặt dưới gầm hương án bàn thờ tổ tiên. Cũng có thể đặt cùng trên bàn thờ tổ tiên nhưng bát nhang phải thấp hơn thờ gia tiên 1 bậc. Cũng có thể lập riêng bàn thờ nhưng phải thấp hơn bàn thờ tổ tiên. Bài trí bàn thờ bà cô ông mãnh rất đơn giản, sơ sài. Chỉ đặt bài vị (hoặc ảnh), bát nhang, chén nước, bình hoa, đôi đèn… Người ta cúng vào ngày sóc vọng, ngày kỵ, giỗ Tết giống thờ tổ tiên. Nếu người cúng ngang hàng với bà cô ông mãnh thì chỉ lâm râm khấn mà không cần lễ. Nếu thuộc hàng dưới thì phải khấn và lễ. Khi gia đình gặp chuyện về sức khỏe, vật chất… người ta cúng bà cô ông mãnh để được phù hộ độ trì cho mọi sự được hanh thông và tốt hơn.
Những người mới mất chưa được thờ chung với tổ tiên mà được lập một bàn thờ riêng tại gian thờ hoặc gian nhà ngang. Được bài trí tương đối sơ sài: một bát nhang, bài vị (hoặc ảnh), lọ hoa, chén nước, ngọn đèn… Trong vòng 100 ngày (tính từ ngày an táng xong), người ta đều thắp hương cơm canh trước khi gia đình ăn cơm, mời người mới mất thụ hưởng. Lúc này, linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, “hồn vía còn nặng” chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn xung quanh nhà. Những người sống không muốn tin vào sự thật là họ vừa mới mất đi một người thân, làm vậy để dịu nỗi buồn. Nhưng có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức lễ chung thất). Sau 49 ngày (hoặc 100 ngày), bát nhang người mới mất sẽ được rước lên bàn thờ tổ tiên Sau lễ trừ phục (còn gọi là đàm tế) bàn thờ người mới mất sẽ được loại bỏ cùng những đồ thờ riêng, đưa ảnh chân dung và bát nhang lên bàn thờ tổ tiên, đặt hàng dưới. Trường hợp không có bàn thờ tổ tiên thì sẽ vẫn giữ lại như cũ, chỉ cần yết cáo tổ tiên lên bàn thờ tổ.
1.6 Bàn thờ vọng
Bàn thờ vọng là một loại bàn thờ mà những người sống ở xa quê, ít có điều kiện về nhà con trai trưởng dịp giỗ Tết lập nên. Ngày xưa, bàn thờ vọng chưa phải là phong tục chủ yếu bởi đa số người ta đều sống và sinh cơ lập nghiệp ngay tại quê hương, chỉ có một số trường hợp đặc biệt gọi là biệt quán, li hương.
Đến thời phong kiến, các quan trong triều đình tập trung vọng bái thiên tử tức vái lạy từ xa. Những người ở nơi biên ải cũng lập hương án hướng về phía kinh đô để làm lễ khi nghe tin vua chúa mất mà chưa đến dự đám tang được. Những người làm quan cũng lập một hương án hướng về quê hương để làm lễ khi nghe tin có người thân mất mà chưa kịp về chịu tang. Sau đó, họ cáo quan xin về cư tang 3 năm. Kể từ đó, bàn thờ vọng được hình thành, chỉ có những người sống xa quê mới lập bàn thờ vọng. Những người ở gần quê, dù giàu hay nghèo cũng phái về nhà người con trai trưởng hoặc trưởng họ làm lễ trong dịp giỗ Tết, chú hoặc ông chú vẫn phải đền nhà cửa trưởng làm lễ dù cửa trưởng chỉ thuộc hàng thấp như cháu, chắt… Do đó, không có tục lập bàn thờ vọng đối với đời thứ ba ngay tại quê. Nếu người con trưởng mất hoặc sống xa quê, người con thứ kế tiếp con trưởng được lập bàn thờ chính, còn bàn thờ tại nhà con trưởng là bàn thờ vọng.
Trước khi lập bàn thờ vọng, chủ nhà phải về quê để báo cáo với tổ tiên tại bàn thờ chính, xin phép chuyển một vài lư hương phụ hoặc một vài nén hương đang cháy giở đến bàn thờ vọng để thắp tiếp. Nếu có phòng riêng, để bàn thờ đặt ở một phòng riêng biệt để tăng vẻ tôn nghiêm. Nếu không có phòng riêng thì đặt kết hợp phòng khách, phải đặt cao hơn chỗ tiếp khách. Bàn thờ đặt hướng về quê chính để gia chủ vái lạy thuận hướng về quê chính. Không nên đặt tại những chỗ uế tạp, cạnh lối đi, trừ trường hợp nhà quá hẹp. Những người mà sống trong khu tập thể thì chỉ đặt một lọ cắm hương đầu giường nằm của mình cũng đủ, miễn là có lòng thành kính, chẳng cần phải câu nệ hướng nào, cao thấp rộng hẹp ra sao.
2. Trang trí bàn thờ Tổ, bàn thờ Vọng.
Nhà thờ ở nông thôn thường có ba gian hai trái hoặc một gian hai trái. Và bàn thờ tổ bao giờ cũng thiết lập ở gian hai trái. Và bàn thờ tổ bao giờ cũng thiết lập gian nhà chính, nếu không có nhà thờ riêng trong gia đình.
2.1 Bàn thờ tổ gồm hai lớp:
Lớp trong
· Chiếc rương thật lớn, cao khoảng 1m, dài và rộng 2m. Mặt trước gồm ba ô, mỗi ô khắc một chữ đại tự. Đôi khi, chiếc rương được thay bằng chiếc bàn to, kê trên 2 chiếc mễ (1m).
· Có 2 chiếc mâm đặt phía trong bàn thờ. Mâm to đựng cỗ, mâm bé bày hương hoa trong ngày giỗ. Chiếc thứ 2 phải bé hơn chiếc thứ 1.
· Có một chiếc thần chủ đặt trong khám thờ kê trên chiếc bệ. Có thể thay thế bằng chiếc ngai (chiếc ỷ) để tổ tiên thuộc hàng cao có thể kiểm soát con cháu thờ cúng.
· Trước thần chủ thường có đĩa đựng trầu cau, 3 ly nước lã trong, chén (hoặc bình) rượu nhỏ, đĩa đồng hoặc sứ
đặt 2 bên để đặt hoa quả, thức ăn để thờ…
· Bên trong đặt bài vị của tổ tiên bằng sứ, có thể thay thế bằng ảnh chân dung người mất được treo lên tường sau hoặc đặt trên mặt bàn thờ.
Bàn thờ lớp Trong được ngăn với lớp ngoài bởi: Cửa Võng – Đại Tự – Câu Đối
Lớp ngoài Bàn thờ được ngăn cách với không gian chung bởi: Cửa Võng – Cuốn Thư – Câu Đối.
Lớp ngoài
· Hương án thật cao.
· Bình hương lớn bằng sứ hoặc đồng, trong đó có để cát hoặc tro ở trong, ở giữa cắm trụ sắt cao để đặt hương vòng.
· Hai bên có 2 cây đèn, bật khi cúng lễ.
· Hai cây đồng để thắp nến, có thể thay thế bằng 2 con hạc đồng. Đồng có thể thay bằng sứ.
· Có thể trang trí thêm đồ vật như hoành phi, câu đối… vào chính giữa bàn thờ hoặc hai bên.
2.2 Chiếc y môn
Y môn là bức màn vải đỏ, dùng làm bức màn ngăn cách lớp bàn thờ bên ngoài và lớp bàn thờ bên trong. Y môn gồm hai cảnh, xung quanh có thêu, được treo thõng xuống che kín lớp bàn trong. Y môn có thể làm bằng nhiễu, the hoặc vải màu đỏ. Trên cùng y môn có một dải lụa hoặc nhung the mầu băng ngang. Trên lớp băng ngang thường được thêu hoặc dán chữ đại tự.
2.3 Đèn treo
Người ta thường treo trước y môn một chiếc đèn, dân gian gọi là tự đăng. Vào dịp giỗ Tết, chiếc đèn này được thắp suốt ngày đêm. Bởi người xưa cho rằng trong những ngày này, hương hồn những người đã khuất luôn ngự trị trên bàn thờ. Và ngọn đèn tượng trưng cho sự hiện diện của tổ tiên.
Đèn treo ngày xưa thường là một đĩa dầu lạc hay dầu vừng… được đặt trong một chiếc đèn lồng, sau là đèn ba dây thắp dầu lửa. Ngày nay, phần lớn người ta dùng đen điện hoặc nến.
2.4 Thần chủ
Trên bàn thờ tổ của một dòng họ bao giờ cúng có riêng một thần chủ, thần chủ này được thờ phụng mãi mãi. Đối với những gia đình giàu sang, mướn lập bàn thờ tại gia, lập thần chủ để thờ thì phải có đủ thần chủ của cụ kỵ, ông cha, tức là cao, tằng, tổ khảo. Thần chủ làm bằng gỗ táu (gỗ của loại cây sống ngàn năm), dài khoảng hai phân rưỡi, ở giữa đề tên họ, chức tước, còn hai bên ghi ngày giờ sinh, tử của tôt tiên.
Thần chủ thường được để trong long khám, khi nào cúng giỗ thì mới mở ra. Thần chủ chỉ để thờ 4 đời trở xuống. Sang đời thứ 5, thần chủ của cao tổ được mai đi và nâng bậc tằng này gọi là Ngũ, đại mai thần chủ, nghĩa là thần chủ sang đời thứ năm được chôn đi.
2.4 Gia Phả
Bất cứ nhà thờ nào trước đây đều cất giữ cuốn sổ ghi chép thế thứ trước sau của tổ tiên, và các thế hệ nối tiếp từ đời này qua đời khác. Cuốn sổ đó được gọi là cuốc gia phả. Sổ gia phả ngày xưa được dùng bằng giấy sắc, viết rất rõ ràng, nắn nót để tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên, thường được đặt trong khám hoặc trong một lớp riêng để trên bàn thờ. Những dòng họ to, gia phả được chép hoặc in sao thành nhiều bản cho mỗi chi họ một bản để con cháu hiểu rõ về tổ tiên mình.
Trong gia phả, mỗi vị tổ tiên đều được ghi những dòng trích ngang, ngày tháng sinh tử, tên họ, chức tước, có khi còn ghi cả tính tình, sở thích của các vị lúc sinh thời. trong đó còn ghi rõ vị nào tên gì, sinh ra những ai, ngành trưởng, ngành thứ là những ai. Trong gia phả ghi chép đầy đủ cả công trạng của tổ tiên, sinh ở đâu, táng ở đâu, được nơi nào thờ phụng làm phúc thần hay thành hoàng làng đối với những người đã từng là công thần, có công với dân với nước. Gia phả ngày nay nay được biên soạn bằng chữ Quốc ngữ, được in rất đẹp cùng tranh ảnh… như một cuốn nhật ký của Dòng họ. Gia phả ngày nay không chỉ được cất giữ cẩn thận trong tủ thờ của nhà thờ họ, mà còn được in bản tóm tắt cùng các sơ đồ phả hệ, được treo trang trọng trên các khung ảnh xung quanh tường nhà thờ họ để các con cháu xa quê mỗi dịp về thắp hương được đọc, noi gương và tự hào về dòng họ, về quê hương bản quán của Tổ Tiên…
2.5 Hoành phi: Bao gồm Đại Tự & Cuốn Thư
Trong các nhà thờ họ đều treo một hoặc nhiều tấm biển gỗ nằm ngang phái trên mặt trước cửa bàn thờ. Chiều ngang tấm biển ăn suốt gian nhà, dài khoảng 3 thước, rộng khoảng 1 thước đến 1 thước hai. Trên tấm biển đó khắc những chữ lớn, thường chỉ khắc được từ 3 đến 4 chữ là cùng. Tấm biển đó được gọi chung là bức hoành phi.
Có hai loại Hoành phi thông dụng: Đại Tự và Cuốn Thư:
Bức Đại tự thường được treo bên trên bàn thờ Lớp TrongBức hoành phi thường được sơn son thếp vàng, sơn đen chữ đỏ hoặc vàng hay chữ khảm xà cừ. Có gia đình cầu kỳ làm bức hoành phi theo hình thức Cuốn thư, Đại tự rất đẹp. Nhà nghèo có thể làm hoành phi bằng gỗ thường, hoặc tấm cót ép, đóng nẹp vuông vắn, dán lót tấm giấy đỏ, viết Đại tự thay cho bức hoành phi.Ý nghĩa của đại tự viết trên hoành phi mang nội dung ca tụng công đức của tổ tiên hoặc tỏ lòng kính trọng của con cháu đối với tổ tiên như:
Kính như tại
Con cháu kính trọng tổ tiên, như tổ tiên luôn luôn tại vị trên bàn thờ.
Phúc mãn đường
Gia đình đầy đủ phúc đức.
Trên bức hoành phi còn có ghi niên hiệu năm làm vào mùa, tháng nào. Nếu là bức hoành phi do một người con cháu nào đó cúng thì có ghi tên tuổi người đó. Hoành phi có ghi tên người cúng phần lớn là hoành phi treo tại các nhà thờ tổ họ hay trưởng chi họ. Bức Cuốn thư treo bên trên bàn thờ lớp ngoài
2.6 Câu đối
Ở hai cột phái trước bàn thờ hoặc trên tường có treo mỗi bên một câu đối. Nhà khá giả thường viết câu đối sơn son thếp vàng hay sơn đen khảm xà cừ. Còn nhà nghèo thường chỉ viết câu đối trên giấy hồng. Nói chung, các bức hoành phi hay câu đối đều được viết bằng chữ Hán. Nhưng cũng có gia đình viết cả câu đối và hoành phi bằng chữ nôm. Cũng như bức hoành phi, nội dung câu đối với tổ tiên hoặc ca tụng công đức của tổ tiên hoặc ca tụng công đức của tổ tiên, ví như:
Tổ tông công đức thiên nhiên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại xưng
3. Thắp hương: Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11,… mà tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10,… Người ta quan niệm rằng, số lẻ là dương nên nó phù hợp hơn với tổ tiên(người dương thắp cho người âm). Loại hương thẳng gồm 2 phần: chân hương màu hồng đỏ, bụi hương thơm. Có một loại hương vòng bao gồm nhiều vòng hương, có buộc dây, được đặt trên que sắt trong bình hương. Khi thắp hương, người ta phải để hương sao cho thật thẳng, tránh để hương bị nghiêng, méo hay siêu đổ khiến đốm lửa giữa các nén hương không đều nhau, làm hương bị tắt lửa, hương tàn xuống có thể gây cháy những đồ lễ vật trên bàn thờ hoặc gây Hỏa hoạn. Khi thắp hương, có thể trông coi khi cần thiết.
4. Cúng Tổ tiên: Người Việt thường cúng Gia tiên vào ngày Sóc – Vọng (Sóc là ngày Mồng Một, Vọng là ngày Rằm hàng tháng), lễ Tết, giỗ hoặc bất kỳ lúc nào cần được gia tiên phù hộ như: sinh con, đẻ cái, kết hôn, làm nhà, lập nghiệp, có trục trặc về sức khỏe. Đây là cách để thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn.
5. Tóm lại: Bàn thờ tổ hoặc bàn thờ vọng thường được trang trí rất uy nghi thể hiện sự tôn kính biết ơn các bậc tổ tiên, đó là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam luôn được kế thừa và gìn giữ từ đời này qua đời khác.
(Trích đồ Mỹ nghệ Hải Minh)